...

[LMS2024] Hội thảo "Du lịch Bình Thuận: Lộ trình "xanh hóa" đến phát triển bền vững" khép lại Chuỗi sự kiện LMS 2024

06 Tháng 11, 2024
 
Sáng ngày 06 tháng 11 năm 2024 tại Bình Thuận, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Du lịch Bình Thuận: Lộ trình "xanh hóa" đến phát triển bền vững với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện cơ quan quản lý địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là sự kiện cuối cùng khép lại các chương trình về quản trị pháp lý doanh nghiệp thuộc chuỗi LMS 2024 (Legal Management Series 2024) do VIAC cùng các đối tác triển khai.
 
 Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu trọng tâm trong chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Tại Bình Thuận, hoạt động du lịch, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đang được thúc đẩy để nhanh chóng chuyển đổi xanh, tạo động lực để đẩy nhanh tiến trình phát triển toàn diện: kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, ông Minh cho biết thêm, mặc dù địa phương đã có chính sách, doanh nghiệp được tuyên truyền, được kêu gọi rất nhiều về việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh nhưng thực tế, tiến độ “xanh hóa” của doanh nghiệp vẫn còn chưa như kỳ vọng. Ông nhận định, điều này có thể bắt nguồn từ việc doanh nghiệp còn chưa được hướng dẫn kỹ càng để có thể xây dụng một lộ trình chuyển đổi phù hợp. Với bối cảnh đó, ông Minh đánh giá cao ý tưởng thực hiện Hội thảo “Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững” và kỳ vọng những chia sẻ từ các chuyên gia, trao đổi của doanh nghiệp tại hội thảo sẽ góp phần đưa đến những đề xuất hữu hiệu để phát triển mô hình du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. 
 

TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Đại diện Ban Tổ chức, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần phát biểu khai mạc và dẫn đề cho Hội thảo. TS. Trần Du Lịch đánh giá cao tiềm năng của Bình Thuận trong phát triển du lịch khi có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Bình Thuận cũng được xác định là trung tâm năng lượng quốc gia, có nền tảng tốt để khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Với những thuận lợi này, tỉnh hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy các dự án du lịch xanh, đóng góp tích cực cho lộ trình phát triển bền vững của kinh tế cả nước. TS. Trần Du Lịch nhận định, du lịch xanh hiện đang là xu hướng toàn cầu khi giúp hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nâng cao giá trị văn hóa địa phương và bảo tồn được các di sản tự nhiên. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch kết hợp văn hóa - lịch sử…thời gian gần đây đã thu hút lượng lớn khách hàng, điều này cho thấy được việc chuyển đổi xanh trong toàn nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng đã, đang và sẽ tạo nên được rất nhiều giá trị cho quốc gia. Tuy vậy, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng tăng trưởng xanh là một lộ trình dài, phức tạp, đòi hỏi chính quyền và cộng đồng người dân, doanh nghiệp phải quyết tâm, kiên trì và sáng tạo liên tục. Việc đưa tiêu chuẩn xanh vào cuộc sống đã là khó, “xanh hóa” hoạt động kinh doanh sẽ lại càng khó và càng cần bài bản hơn. Khi chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, rủi ro khi thử nghiệm mô hình mới, rủi ro khi vận dụng chính sách mới, rủi ro khi làm việc, thương thảo hợp đồng với các đối tác mới,…Tất cả những rủi ro này, nếu không có sự nghiên cứu, chuẩn bị, doanh nghiệp ắt sẽ chịu nhiều thiệt hại trong hành trình tiến đến mục tiêu xanh hóa. Từ đây, TS. Trần Du Lịch cho rằng, lãnh đạo trung ương, địa phương cần có các quyết sách phù hợp, khuyến khích tinh thần chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, chính quyền và doanh nghiệp cũng cần chung tay trong việc đầu tư hạ tầng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Và cuối cùng, TS. Lịch cũng nhấn mạnh phải tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng các thương hiệu điểm đến để phát triển du lịch xanh hiệu quả.
 

Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Thuận

Tại hội thảo, Ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Thuận đã có phần chia sẻ về thực trạng phát triển du lịch xanh tại Bình Thuận. Ông nhận định, các dịch vụ du lịch hướng đến tính “xanh”, thân thiện với môi trường được quan tâm và tạo điều kiện phát triển như một xu hướng tất yếu trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có ý thức hơn đối với vấn đề phát triển bền vững. Theo đó, trung ương đã có một số chính sách khuyến khích, bản thân chính quyền tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh chính sách xanh hóa, trong đó đặt mục tiêu mũi nhọn vào ngành du lịch. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường. Chẳng hạn, trong quá trình phục vụ du khách, các cơ sở này ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và giảm thiểu tối đa việc sử dụng nhựa. Song song với những thành quả tốt mà tỉnh đã đạt được, ông Nhân chỉ ra nhiều thách thức mà Bình Thuận cần phải giải quyết để phát triển du lịch xanh một cách toàn diện. Theo đó, ông Nhân đánh giá, tỉnh vẫn còn hạn chế về hạ tầng hỗ trợ du lịch xanh như giao thông công cộng thân thiện với môi trường, cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn xanh, và các dịch vụ thân thiện với môi trường. Không chỉ vậy, mặc dù có một số chính sách liên quan đến phát triển bền vững, các hỗ trợ tài chính và ưu đãi cho các doanh nghiệp du lịch xanh vẫn còn khá hạn chế, điều này làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút các doanh nghiệp tham gia vào phát triển du lịch xanh tại Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng.
 

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận 

Nối tiếp hội thảo, Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận đã phân tích và đánh giá một số mô hình du lịch xanh có thể triển khai tại địa phương. Hiện nay, các mô hình phát huy lợi thế địa hình biển vẫn tiếp tục được duy trì, các khu nghỉ dưỡng biển vẫn thu hút khá tốt với lượng khách trong và ngoài nước. Ngoài lợi thế này, Bình Thuận còn đang khai thác thêm các thuận lợi tự nhiên khác như sông, hồ, rừng, thác. Theo đó, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch kết hợp khám phá danh lam thắng cảnh, du lịch kết hợp tham quan di tích lịch sử, du lịch nông thôn… cũng bắt đầu được mở rộng thêm. Hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững, doanh nghiệp du lịch đã có nhiều phương án nhằm đa dạng, xanh hóa tối đa các sản phẩm du lịch, tái đầu tư với các trang thiết bị, tận dụng thiên nhiên, thắng cảnh trong quá trình vận hành các dự án du lịch. Cùng với việc chuyển đổi dần các loại hình và sản phẩm du lịch, vấn đề về sử dụng năng lượng tái tạo trong các dự án du lịch cũng đang được chính quyền và doanh nghiệp tỉnh rất quan tâm. Từ khảo sát đặc thù địa phương và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tại Bình Thuận, nhiều cơ sở, khu du lịch đã tiến hành chuyển đổi nguồn nhiên liệu sử dụng sang các nhiên liệu xanh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời; hạn chế các chất đốt, sản sinh điện gây nguy hại đến môi trường. Thông qua thực trạng trên, ông Khoa cho rằng, Bình Thuận đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa một cách tích cực và chủ động. Tuy vậy, theo ông Khoa, việc chuyển đổi xanh trong du lịch còn chưa đồng bộ và các mô hình xanh cũng chưa phát triển nhiều, điều này là do sự thiếu sót của tiêu chuẩn xanh hóa cũng như khung pháp luật điều chỉnh còn chưa đầy đủ. Ông Khoa cho rằng, để du lịch xanh trở nên phổ biến và hiệu quả, cần sớm xây dựng các tiêu chí về xanh, đồng thời chính quyền, các cơ quan liên quan cũng nên rà soát và có ý kiến điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý cho du lịch nói chung và du lịch xanh nói riêng.
 

LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) 

Tiếp nối Hội thảo, LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có phần trao đổi về phát triển du lịch xanh dưới góc độ pháp lý và những lưu ý khi hợp tác kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Ông Bắc đánh giá, pháp luật về du lịch hiện được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong bối cảnh khung khổ pháp lý đã có nhiều biến đổi khi một loạt luật mới được ban hành và có hiệu lực, việc triển khai các dự án du lịch cũng đi kèm với những thách thức pháp lý phức tạp. Cụ thể, luật mới đã có sự công nhận nhất định với các bất động sản, công trình về du lịch cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận đất đai khai thác cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, khung khổ mới đồng thời cũng đặt ra trở ngại trong việc thực thi khi chưa điều chỉnh rõ ràng và chi tiết các quy định liên quan đến đất, công trình, hoạt động đầu tư với dự án du lịch. Từ góc độ đại diện cơ quan giải quyết tranh chấp VIAC, ông Bắc cũng đưa ra nhiều số liệu về các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực du lịch với nguyên nhân đến từ cả yếu tố khách quan chính sách và yếu tố chủ quan của doanh nghiệp. Ông Bắc nhận định, dự án du lịch đa phần đều là các dự án lớn, phức tạp, có sự tham gia của nhiều bên dưới nhiều dạng thức hợp đồng: hợp tác kinh doanh, hợp tác công tư, góp vốn, góp tài sản…dẫn đến tình trạng tranh chấp có thể phát sinh ở hầu hết các giai đoạn từ đầu tư, xây dựng cho đến vận hành. Đặc biệt khi có yếu tố “xanh” tham gia vào lĩnh vực du lịch, theo ông Bắc, các vấn đề pháp lý lại càng cần được chú trọng nhiều hơn. Đồng tình với các diễn giả, ông Bắc cho rằng, tiêu chuẩn xanh là tiêu chuẩn nghe quen nhưng lại lạ, dù là xu hướng nhưng “xanh hóa” nói chung và xanh trong du lịch nói riêng lại chưa có một văn bản nào điều chỉnh cụ thể, điều này sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro và phát sinh tranh chấp trong thời gian tới. Từ đây, ông khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án quản lý rủi ro, tăng cường hợp tác với các chuyên gia pháp lý, lựa chọn đối tác uy tín và đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hợp đồng chặt chẽ, bao quát. 
 

LS. Ngô Quỳnh Anh - Luật sư Thành viên Cao cấp, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt

Nối tiếp hội thảo, LS. Ngô Quỳnh Anh - Luật sư Thành viên Cao cấp, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt đã chia sẻ về các vấn đề pháp lý trong phát triển năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy du lịch xanh tại Bình Thuận. Bà nhấn mạnh, dù địa phương có tiềm năng cao về điện gió và điện mặt trời, các dự án này vẫn gặp khó khăn, liên quan chủ yếu đến vấn đề tài chính và vướng mắc trong thủ tục hành chính, cấp phép của cơ quan nhà nước. Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư khi chi phí đầu tư ban đầu cao, thời gian cấp phép dài khiến gánh nặng tài chính đè nặng doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm tham gia tư vấn cho nhiều dự án lớn, bà Quỳnh Anh đề xuất sớm xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro và lợi nhuận giữa khối tư nhân và nhà nước, nhằm phát huy điểm mạnh của mỗi bên khi có thể đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hành chính vừa tận dụng được lợi thế tài chính và kinh nghiệm vận hành từ nhà đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, bà Quỳnh Anh cũng chỉ ra xu hướng gần đây của một số khu du lịch khi đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà phục vụ tự sản tự tiêu hướng đến giảm thiểu chi phí dài hạn của doanh nghiệp, vừa xây dựng hình ảnh điểm đến bền vững, giúp thu hút du khách. Tuy nhiên, quá trình hợp tác đầu tư trong các dự án năng lượng tái tạo không tránh khỏi tranh chấp về phân chia lợi nhuận và quyền sở hữu, quản lý hệ thống. Thiếu sự minh bạch và chi tiết về quyền và nghĩa vụ của từng bên trong hợp đồng thường dẫn đến mâu thuẫn lợi ích khi dự án đi vào hoạt động. Đặc biệt, khi huy động vốn từ nhiều nguồn hoặc hợp tác với đối tác nước ngoài, các bên còn phải đối mặt với khác biệt về quan điểm vận hành và các vấn đề pháp lý phức tạp. Để giải quyết tình trạng này, bà Quỳnh Anh khuyến nghị các doanh nghiệp cần có hợp đồng được xây dựng chặt chẽ, quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của từng bên và các cơ chế giải quyết tranh chấp cụ thể. 
 

Các chuyên gia tại Phiên thảo luận chung

Sau phần trình bày của các chuyên gia, hội thảo tiếp tục với phần thảo luận toàn thể được điều phối bởi TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch VIAC cùng với sự tham gia của ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Thuận; ông Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận và LS. Ngô Quỳnh AnhLuật sư Thành viên Cao cấp, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt cùng sự tham gia của toàn thể đại biểu tham dự hội thảo. Qua đó, phiên thảo luận đã tiến hành trao đổi, bàn luận sâu về thực trạng triển khai các dự án, công trình năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Bình Thuận, đồng thời đưa đến nhiều đề xuất, gợi ý nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện sự phát triển của các mô hình du lịch xanh trên địa bàn tỉnh trong tương lai.
 
Phiên thảo luận chung
 
 
Tham khảo tài liệu sự kiện tại: ĐÂY
 
 
--------------------------------
THÔNG TIN VỀ CÁC SỰ KIỆN THUỘC LMS 2024:
 

Lĩnh vực Năng lượng

Hội thảo "ESG - Chìa khóa cho phát triển bền vững: Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG hiệu quả"

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây

Lĩnh vực Ngoại thương

Hội thảo "Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp"

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây

Lĩnh vực Bất động sản

Hội thảo "Pháp lý và tài chính trong giao dịch M&A bất động sản dưới tác động của khuôn khổ pháp lý mới"

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây

Lĩnh vực Bất động sản

Hội thảo "Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới" tại tỉnh
Khánh Hòa

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây

Lĩnh vực Ngoại thương

Hội thảo "Hạ tầng logistics: Yêu cầu mới trong chiến lược phát triển và khung pháp lý"
tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây

 
 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI